Những cách thức tưởng chừng đơn giản và vô ý nhưng lại được tính toán vô cùng thông minh để người dùng phải “đầu hàng” là đây!
Có bao giờ bạn rơi vào tình trạng chỉ muốn vào siêu thị mua bó rau nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó lại bước ra với túi to, túi nhỏ toàn những món không liên quan đến bó rau chưa? Tình trạng này còn xảy ra thường xuyên đến mức nhiều người vô cùng hoài nghi không biết bản thân có đang mắc phải hội chứng nào không mà lại chi tiêu thiếu kiểm soát như thế.
Song, chẳng có hội chứng nào cho việc trót “lố” thời gian hay tiền bạc trong mỗi lần đi siêu thị nào ở đây cả. Tất cả đều là do những chiếc “bẫy” tâm lý, kích thích dân tình sắm sanh mà các siêu thị cài cắm tinh vi. Thôi thì hôm nay hãy cùng lật tẩy loạt “bẫy” tâm lý này, xem coi lần sau đi siêu thị có “tới công chuyện” được không nha!
1. “Đường một chiều”
Ngay từ khi đặt chân vào siêu thị, bạn đã vướng ngay “bẫy” tâm lý rồi mà không hề hay biết. Chiếc bẫy này nằm ở việc đa phần các siêu thị lớn đều có lối vào và lối ra tách biệt, ở xa nhau. Đồng thời, quầy thu ngân cũng sẽ được đặt gần lối ra hơn là lối vào.
Điều này khiến bạn không thể nào vừa vào đã vội trở ra ngay hay tính tiền luôn mà phải đi hết một vòng lớn siêu thị. Rất hiếm ai cắm mặt mà đi một mạch ra khỏi siêu thị trong trường hợp này, phần đông mọi người đều chọn cách vừa đi vừa xem đồ đạc, tiện tay cầm thứ này lên ngó một chút, rồi lại cầm thứ kia lên soi thêm chút nữa. Và tất nhiên, trong quá trình đó, những chiếc “bẫy” tiếp theo sẽ hoạt động, khiến dân tình phải rút ví ra sắm sanh.
2. Mồi nhử “heo thỳ”
Một trong những cách bài trí quen thuộc của các siêu thị là hàng rau củ, bánh mì luôn được bày ngay cửa vào. Theo các nghiên cứu khoa học, cách bài trí này mang lại cho dân tình cảm giác tươi mới và khỏe mạnh. Đồng thời nó cũng khiến chúng ta dễ tính, phóng khoáng hơn khi quyết định chi tiền mua những món đồ khác.
3. “Bẫy” khuyến mãi update liên tục
Đã là siêu thị thì không bao giờ thiếu đi những khuyến mãi “mua 1 tặng 1”, “mua 3 tính tiền 2”, “mua 4 được 5″… rồi. Cái “bẫy” này đánh trúng tâm lý tham giảm giá của nhiều người, khiến họ lầm tưởng mình đang mua được đồ giá hời, tiết kiệm được ối tiền.
Thế nhưng, nó lại chính là con dao 2 lưỡi khi khiến chúng ta phải “xuống ví” sắm một món đồ với số lượng nhiều hơn mức cần thiết nhiều. Chưa kể, ở một số siêu thị, đồ tặng kèm trong combo “1+1” thường chẳng “ngon ăn” cho lắm.
4. Giá tiền “đặc biệt”
Có một sự thật là giá tiền của các sản phẩm ở siêu thị hầu như đều là giá lẻ. Nói nôm na là thay vì 100 ngàn, các siêu thị sẽ để giá của món đồ ở mức 99 ngàn. Hơn thua 1 ngàn thật ra không nhiều lắm, thế nhưng nó lại là “bẫy” tâm lý lợi hại mang tên “định giá theo tâm lý người tiêu dùng”. Thông qua chiêu thức này, siêu thị sẽ khiến dân tình có xu hướng cảm nhận mức giá thấp hơn thực tế, “xuống tay” mua sắm cũng đỡ áp lực tiền bạc hơn tí tẹo.
5. Ăn thử mua thật
Đồ ăn thử miễn phí là một cách khác để kích thích lượng mua sắm trong siêu thị của khách hàng. Bởi lẽ khi đứng lại để ăn thử, dân tình sẽ được tặng kèm combo nhân viên tiếp thị đứng bên kể ra những ưu điểm nổi bần bật của sản phẩm và thuyết phục xuống ví. Mà đã ăn vào miệng rồi, lại đứng lâu xem người ta nói “khô cả cổ”, ai rồi cũng sẽ cả nể mà mua chút ít, tăng doanh thu cho siêu thị cho mà coi.
6. Tách biệt những thứ thiết yếu
Đã bao giờ bạn chỉ muốn mua một vỉ trứng và một túi đường nhưng cuối cùng lại lang thang vô định trong siêu thị chưa? Không phải là do bản thân bạn mải mê đi dạo mà là do siêu thị luôn phân khu tách biệt từng món trứng, sữa, gia vị, mì tôm, thịt thà, rau củ… riêng biệt đó.
Cách làm này thoạt nhìn qua sẽ khiến chúng ta lầm tưởng dễ tìm kiếm hàng hóa, dễ sắm sanh nhanh-gọn-lẹ rồi về nhưng thực chất cũng là một chiêu trò của siêu thị. Bởi, những mặt hàng trên đều là đồ thiết yếu, cần mua với tần suất lớn nhưng lại ở các khu xa nhau. Điều này khiến chúng ta mỗi lần muốn mua đủ đồ cần thiết lại phải đi lòng vòng tìm kiếm, vô tình đi ngang qua và vấp phải rất nhiều thứ không có trong dự định nhưng hay ho. Kết quả là chi nhiều tiền hơn dự định chứ sao nữa.
7. Layout dãy hàng
Ngoài việc phân chia khu cho các mặt hàng, siêu thị cũng áp dụng thêm chiêu trò tạo layout ngay ở các dãy hàng để hút dân tình phải chi nhiều tiền hơn. Layout phổ biến của các siêu thị thường được sắp xếp như sau: Món đồ có giá đắt hơn sẽ ở kệ ngang tầm mắt, giá rẻ hơn, tồn kho ở trên cao hoặc dưới thấp, kệ thấp ưu tiên đồ bắt mắt mà trẻ con yêu thích.
Cách sắp xếp này phân chia hàng hóa theo đúng từng tệp khách hàng, đánh mạnh vào “điểm tập trung” trong mắt của họ khiến họ phải mua sắm những thứ đã nhìn thấy.
8. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng
Ngay cả nhạc được phát trong siêu thị cũng mang mục đích kích thích bạn mua sắm và chi tiền nhiều hơn.
Theo các nghiên cứu khoa học, âm nhạc ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của chúng ta. Lợi dụng điều đó, các siêu thị thường chọn phát những bài hát có nhịp điệu chậm rãi, yên tĩnh hoặc cổ điển khiến chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong các lối đi của cửa hàng.
Điều này không chỉ khiến dân tình nhìn thấy và bỏ giỏ nhiều món hay ho mà còn làm tính lý trí trong họ mất dần, sau cùng mọi thứ còn lại chỉ là tính cảm tính, thấy gì hơi thích chút cũng mua.
Ngoài âm thanh, ánh sáng trong siêu thị cũng được thiết kế đặc biệt hơn hẳn các nơi khác. Ánh sáng ở đây làm “tôn lên” hình ảnh của hàng hóa, tăng thêm độ tươi mới cho rau củ, trái cây khiến người mua thấy hấp dẫn hơn hẳn.
9. Thiếu “một chút nữa thôi”
Cho đến khi đã vượt qua hết loạt “bẫy” tâm lý được cài cắm tinh vi khắp siêu thị và thanh toán giỏ hàng, bạn vẫn không thoát nổi những chiêu trò của siêu thị.
Thông thường ở các quầy thanh toán, sau khi tính tiền xong các nhân viên thu ngân sẽ báo người mua hóa đơn của họ đang bao nhiêu tiền đồng thời “tiện” nhắc luôn siêu thị đang có những chương trình khuyến mãi nào. Thông qua đó, nhân viên thu ngân sẽ gợi ý dân tình mua thêm một chút để nhận được ưu đãi hoặc giao hàng miễn phí tại nhà. Kết quả, nhiều người đã đi đến bước cuối vẫn không an toàn, vẫn phải tốn thêm một mớ tiền cho siêu thị.
Như vậy chắc hẳn rất nhiều bạn đọc ở đây sẽ thấy rõ về hình ảnh bản thân qua câu chuyện kể trên. Biết là khó cưỡng song hãy vẫn cố gắng lập ra chi tiêu trước khi đi siêu thị và tuân thủ theo để tránh bị rỗng túi bạn nhé!
Theo: Kênh 14