Biến động từ giá xăng dầu đã dẫn đến sự leo thang về chi phí ở mọi mặt hàng. Chính vì thế mà khi đi siêu thị, hãy nắm chắc 7 bí quyết này để bảo vệ túi tiền nhé!
1. Xác định giữa cần và muốn
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi là người đó chưa phân biệt được giữa cần và muốn. Cần là những thứ nhất thiết phải mua vào một thời điểm, nếu không có sẽ gây rắc rối trong cuộc sống. Muốn là những món bạn hứng lên muốn mua, nếu không có cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại.
Xác định điều này từ lúc lên danh sách đồ đi siêu thị sẽ giúp mỗi người tránh mua sắm ngẫu nhiên và vung tay quá trán.
2. Lên kế hoạch thực đơn
Một phần quan trọng để giảm tiền mua sắm là lập kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần. Bắt đầu từ lên kế hoạch cho các bữa ăn trong ngày rồi thực đơn cho cả tuần rồi hàng tháng. Đây là một cách dễ dàng trước khi tiến đến những bước tiếp theo.
3. Lập danh sách trước khi đi siêu thị
Chúng ta có xu hướng mua nhiều hơn những gì thực sự cần và quá tay với quyết định ban đầu. Để hạn chế điều này, bạn có ghi nhanh ra giấy hoặc điện thoại tất cả những gì cần mua trước khi tới chợ/siêu thị.
Khi mua sắm, người tiêu dùng chỉ cần đối chiếu để kiểm tra xem mua đủ chưa, món nào không cần thiết. Điều này giúp quản lý tài chính thông minh và hiệu quả.
4. Dùng thẻ ưu đãi, giảm giá khi mua hàng
Hầu hết các siêu thị đều có thẻ giảm giá, tích điểm hoặc đổi thưởng miễn phí. Đây là những thẻ mà bạn có thể sử dụng để kiếm điểm và nhận giá ưu đãi cũng như các khoản chiết khấu khác khi mua sắm.
Để đảm bảo có thể mua hàng với ít tiền hơn, bạn nên cầm theo thẻ mỗi khi đến siêu thị đó. Đừng quên tích điểm để nhận ưu đãi giảm giá nếu có.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng/siêu thị còn tung voucher giảm giá qua trang web của họ hoặc trên các sàn thương mại điển tử. Chịu có săn tìm, bạn sẽ mua được giá ưu đãi nhất.
5. Lựa chọn cửa hàng có giá tốt nhất
Mỗi đơn vị bán lẻ sẽ niêm yết giá sản phẩm khác nhau để cạnh tranh thị phần. Bạn có thể tham khảo nhiều cửa hàng/siêu thị khác nhau và tìm ra nơi mua được rẻ nhất. Dù mức chênh mỗi sản phẩm không lớn nhưng cộng lại cả một giỏ hàng sẽ không hề nhỏ.
Hiện nay có những siêu thị tự sản xuất sản phẩm dưới tên gọi của mình và giá cả cũng nhỉnh hơn các thương hiệu khác. Một gợi ý nữa là đến cuối ngày siêu thị thường bán thực phẩm giảm giá, đôi khi có những loại còn khá tươi mới. Bạn có thể tìm mua để tối ưu ngân sách.
6. Tập cách lưu trữ thực phẩm trong tủ đông
Khi xem phim nước ngoài bạn sẽ thấy họ có thói quen đi siêu thị một lần một tuần. Đây được coi là cách tiết kiệm thời gian và chi phí. Rau và trái cây tươi sẽ được bổ sung làm mới liên tục. Nhưng các loại thịt sẽ bảo quản được lâu hơn nhờ tủ đông.
7. Thanh toán bằng tiền mặt
Mọi người có xu hướng “đốt” tiền nhiều hơn khi sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Sử dụng tiền mặt có thể giúp bạn cảm thấy “xót” khi chứng kiến tiền của mình vơi dần, từ đó dễ kiểm soát chi tiêu hơn.
Chuyên gia tài chính cá nhân khuyên một người có thể chia tiền đi siêu thị hàng tháng vào một phong bì riêng. Giới hạn quỹ và theo dõi sát sao ngân sách nhờ tiêu tiền mặt sẽ giúp bạn kiểm soát ví tiền tốt hơn.
Hy vọng rằng bạn có thể áp dụng thành công những bí quyết kể trên để trở thành những người tiêu dùng thông thái nhé!
Theo: Báo Lao động