2 triệu USD/ngày là con số doanh thu đã được nghiên cứu cho các doanh nghiệp đầu tư nếu sử dụng quảng cáo trên không gian. Liệu đây có phải là một con số vô lý? Xem ngay các nhà nghiên cứu nói gì nhé!
Quảng cáo trên không gian sẽ yêu cầu lượng tiền đầu tư không nhỏ, nhưng thực tế một chiến dịch sẽ không còn quá đắt đỏ khi tính tới lợi nhuận thu được. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu từ hai học viện Nga, Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Skoltech) và Viện Vật lý Công nghệ Moscow (MIPT).
“Nghe có vẻ phi thực tế, nhưng chúng tôi chứng minh rằng các chiến dịch quảng cáo trên không gian với hơn 50 vệ tinh cỡ nhỏ bay theo đội hình là khả thi”, báo cáo mới được đăng tải trên Aerospace viết rõ.
Chi phí lên không bớt đắt đỏ hơn trước cộng thêm việc vệ tinh CubeSat (vệ tinh cỡ nhỏ, đủ nhẹ để cầm bằng một tay) đã rẻ hơn nhiều, nhờ đó các nhà khoa học, các tổ chức tư nhân, các startup đã có thể dễ dàng vươn tới quỹ đạo. Trong môi trường ngoài Trái Đất, nhiều những thí nghiệm hay thử nghiệm đã có thể diễn ra với chi phí thấp.
Đi kèm với nó là cơ hội quảng cáo giá rẻ với một dàn vệ tinh bay trong không gian. Theo tính toán của các nhà khoa học Nga, mỗi một vệ tinh mang một cánh buồm phản ánh sáng Mặt Trời có thể coi như một điểm ảnh (pixel), một đội các vệ tinh sẽ có thể ghép thành một biển quảng cáo lớn lơ lửng trên trời, hiện hữu dưới mắt thường khi người xem đứng từ mặt đất.
Đã có công ty từng nhắc tới khả năng quảng cáo sản phẩm theo cách này, tuy nhiên chưa tổ chức nào thực hiện một chiến dịch “trên trời” như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu chưa đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá tính khả thi của chiến dịch quảng cáo trong thực tế.
Dựa trên những tính toán ban đầu của chuyên gia từ Skoltech và MIPT, một chiến dịch kéo dài từ 1-3 tháng sử dụng 50 vệ tinh căng một tấm vật liệu phản chiếu rộng 32 mét vuông – diện tích lớn nhất mà CubeSate có thể căng ra tính tới nay – sẽ tiêu tốn 65 triệu USD. Chi phí bao gồm tiền vệ tinh, phóng tàu không gian và các chi phí kỹ thuật khác.
Sau khi có số liệu ban đầu, nhóm các nhà nghiên cứu ước tính doanh thu có thể thu được từ việc quảng cáo.
Bởi lẽ “biển quảng cáo trên không” sẽ cần phản chiếu ánh sáng, nhưng vẫn cần một bầu trời đủ tối để hiện ra rõ ràng trong mắt người dưới mặt đất, nó sẽ hiệu quả nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn.
Dự kiến một chiến dịch như vậy sẽ cần biển quảng cáo bay theo Mặt Trời, từ di chuyển giữa các cụm dân cư. Trên mỗi thành phố, tấm biển sẽ lơ lửng trong khoảng vài phút trước khi dời đi; dựa vào cả các chỉ số như chi phí quảng cáo ngoài trời, dân số khu vực, những yếu tố chắn biển quảng cáo như trời nhiều mây, thời tiết giá lạnh khiến ít người ra đường, … các nhà khoa học đã tính thử doanh thu một nhãn hàng có thể có.
Họ cho rằng mỗi ngày, một chiến dịch quảng cáo như vậy có thể sản sinh doanh thu lên tới 2 triệu USD. Tức là chỉ cần chạy chiến dịch trong khoảng một tháng, một nhãn hàng sẽ thu hồi được số chi phí bỏ ra.
Những hạn chế tới từ một tấm biển quảng cáo trên không
Các nhà thiên văn học đã nhiều lần nêu quan ngại, rằng vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất có thể làm ảnh hưởng tới khả năng quan sát của kính viễn vọng quang học. Quá trình nghiên cứu không gian, thậm chí là hoạt động theo dõi đường đi của thiên thạch có thể bị ảnh hưởng bởi một lớp vệ tinh dày đặc.
Điều này có thể lại là một trở ngại nữa ngăn các nhãn hàng thực hiện một chiến dịch quảng cáo, nhưng khi con số lợi nhuận khổng lồ nhảy múa trước mắt nhãn hàng, họ sẽ khó có thể từ chối một cơ hội quảng cáo tốt đến vậy. Có lẽ, dù không muốn nhưng chúng ta sẽ sớm không còn muốn nhìn lên không.
Theo: GenK